Nghệ thuật “kéo” traffic hiệu quả nhất cho các website Dược phẩm năm 2020

Làm thế nào để website đạt được lượng traffic ổn định, góp phần vào việc duy trì các hoạt động kinh doanh bán hàng, nhất là trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc đông người như hiện nay vẫn đang là một bài toán đau đầu đối với không ít các công ty Dược. Bài viết dưới đây của Pharmarketing sẽ cung cấp tới bạn 7 phương pháp hữu hiệu trong nghệ thuật kéo traffic cho các website Dược phẩm năm 2020! Cùng tìm hiểu nhé!

Dược phẩm là một ngành kinh doanh lớn có tốc độ phát triển nhanh trên thị trường. Với sự lên ngôi của digital marketing hiện nay, bên cạnh các cửa hiệu bán thuốc, các website kinh doanh thực phẩm chức năng cũng đang nổi lên như một địa chỉ đáng tin cậy giúp người dùng chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Điều khiến các website trở nên hấp dẫn trong mắt khách hàng chính là việc mọi thông tin về các triệu chứng sức khỏe, các sản phẩm bổ sung hỗ trợ, cách sử dụng và khuyến cáo cần thiết được tập trung hết ở một nơi. 

Tìm hiểu về các loại traffic

Organic traffic là gì?

“Organic traffic” hay còn gọi là traffic tự nhiên là lượt truy cập vào website đến từ các tìm kiếm tự nhiên của khách hàng trên các công cụ, bộ máy tìm kiếm như Bing, Google,....Gọi là traffic tự nhiên vì người dùng chủ động tìm kiếm và truy cập vào website nhờ vào những nội dung hữu ích và hấp dẫn mà website xây dựng. 

Paid Traffic là gì?

Paid traffic hay còn gọi là traffic có trả phí là những lượt truy cập có được sau khi thực hiện các hoạt động quảng cáo. Quảng cáo đó có thể thực hiện qua các công cụ quảng cáo, phổ biến nhất là Google Adwords và Facebook Ads, hoặc qua các link quảng cáo và những phương pháp trả phí khác.

Thống kê cho thấy, 51% traffic website đến từ những traffic tự nhiên, điều đó cho thấy rằng việc tối ưu SEO cho một website là vô cùng quan trọng. Công cụ xây dựng website miễn phí và đem lại hiệu quả lâu dài theo thời gian luôn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay. Thông thường, một website sẽ phải mất vài tháng để thấy được kết quả sau những nỗ lực xây dựng, có thể là đạt thứ hạng cao hơn hoặc tốt hơn là vượt qua các đối thủ cạnh tranh để vươn lên top 1. Chặng đường này luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực rất cao từ các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp Dược phẩm, khi vừa phải xây dựng niềm tin nơi khách hàng, vừa phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ trong ngành. Quả thực là một cuộc chiến trường kỳ!

Vậy nên, để tối ưu hóa thời gian hơn, một số doanh nghiệp Dược phẩm đã tận dụng chạy song song hai phương pháp trên là organic traffic và paid traffic. Chỉ cần bỏ ra một mức chi phí tương đối, website của bạn sẽ nhận được lượng truy cập mà phải mất vài tháng mới có được nếu sử dụng organic traffic.

(Nguồn: Real Guy Marketing)

Cái khó của paid traffic là có hàng trăm nhà quảng cáo khác nhau trên thị trường, và các doanh nghiệp Dược phẩm phải lựa chọn công cụ nào phù hợp với mình nhất. Việc tiến hành phân tích đối tượng mục tiêu dựa trên vị trí, giới tính, công việc, sở thích,... cũng cần phải nghiên cứu sâu hơn khi phải chịu áp lực về chi phí bỏ ra. Việc dự trù chi phí cũng vô cùng quan trọng nếu muốn đạt được kết quả nhanh chóng. 

7 phương pháp giúp tăng traffic hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp Dược phẩm

1. Thông qua các kênh social media

Dược phẩm là một ngành đặc thù và có phần khô khan. Chính vì vậy, nếu chỉ mãi tập trung vào việc xây dựng website thôi thì rất khó để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được đa dạng đối tượng độc giả và thu hút traffic cho website. Với tốc độ phát triển của Social media trên toàn cầu hiện nay, có thể thấy đây là “mảnh đất màu mỡ” tạo ra rất nhiều traffic chất lượng cho website, với tốc độ nhanh chóng, hiệu quả cao và tính bền vững lâu dài. 

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp Dược phẩm đang bắt đầu nắm bắt được xu thế đó và nhanh chóng cho ra đời những Fanpage, Instagram với nội dung đa dạng, lượt reach cao, tạo tiền đề cho các traffic được kéo về website. Dạ Hương là một trong những đơn vị đi đầu trong xu thế social media marketing này, với những nội dung đa dạng và sáng tạo được xây dựng theo hướng storytelling vô cùng hấp dẫn độc giả. Những câu chuyện không chỉ thể hiện được cá tính thương hiệu, mà còn giúp thúc đẩy và lôi kéo traffic rất cao.

Các bài viết theo hướng storytelling thu hút tương tác lớn từ độc giả (Nguồn: Fanpage Dạ Hương)

2. Cải thiện traffic qua các công cụ tìm kiếm

SEO vẫn luôn là sự lựa chọn số 1 cho các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng traffic cho website. Đối với một ngành đặc thù như Dược - nơi niềm tin là thứ được đặt lên hàng đầu, SEO luôn là chiến lược tối ưu nhất bởi rõ ràng, những organic traffic luôn đem lại sự tín nhiệm cao hơn là paid traffic. 

Tuy nhiên, có vẻ như chiến lược cải thiện traffic thông qua các công cụ tìm kiếm đang chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, bởi nó đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức để xây dựng một lượng traffic nhất định, ổn định và tăng dần theo thời gian. Thực tế chứng minh, nếu chăm chỉ tối ưu SEO, nó sẽ là một nguồn chiếm hơn 50% traffic của website, và đặc biệt, nó bền vững và tạo được sự tín nhiệm cao. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy rằng, nhiều website nhận được lượng truy cập từ các công cụ tìm kiếm nhiều hơn 300% so với mạng xã hội.

Đặc thù của ngành Dược là người dùng có thói quen tìm kiếm trên Google để nhận được sự tư vấn và chẩn đoán chuyên sâu. Họ sẽ có xu hướng chọn những nơi uy tín để gửi gắm niềm tin, những nơi cung cấp thông tin nhanh và thuận tiện nhất. Vì thế, để triển khai SEO thành công, các doanh nghiệp cần hiểu rõ hành vi tìm kiếm của khách hàng trên internet.

Có 2 hành vi tìm kiếm khá phổ biến của người dùng là:

  • Tìm kiếm theo triệu chứng sức khỏe. Khi khách hàng gặp một triệu chứng về sức khỏe, họ sẽ lên internet tìm hiểu xem triệu chứng đó biểu hiện cho bệnh gì và phương pháp khám chữa bệnh ra sao.
  • Tìm kiếm theo tên sản phẩm đã biết. Lúc này, khách hàng sẽ tìm theo tên của loại thuốc đó để nắm rõ hơn về công dụng, tác dụng phụ, khuyến cáo,... và tìm nơi uy tín để mua. 

Thói quen tìm kiếm phổ biến của người dùng (Nguồn: Internet)

Cho dù 2 hành vi này là khác nhau nhưng điểm mấu chốt là giống nhau: khách hàng sẽ chọn một sản phẩm do lợi ích mà nó đem lại. Chính vì vậy mà doanh nghiệp cần đầu tư hơn vào nội dung trên website. Phải cho khách hàng thấy rõ được sự tư vấn chân thành và những thông tin chân thực nhất.  

3. Email Marketing

Tuy có thể không mới và thú vị như social media, nhưng các chiến dịch email marketing vẫn có thể đem lại những hiệu quả đáng kỳ vọng. Kênh truyền thông marketing dự kiến sẽ đạt 347 tỷ người dùng trên toàn cầu vào năm 2022 là một vùng đất tiềm năng khó có thể bỏ qua, đặc biệt là khi nhóm người sử dụng và có khả năng mua các sản phẩm Dược là những người sử dụng email rất nhiều mỗi ngày. Điểm đặc biệt của Email Marketing là sự chủ động trong tiếp cận khách hàng và chăm sóc khách hàng tốt nhất. 

Thay vì các email marketing quảng cáo chiêu hàng thông thường, các doanh nghiệp Dược nên sáng tạo hơn với các email cung cấp giá trị cho người dùng, chẳng hạn như các email thông tin về cách phòng tránh dịch COVID-19, hay cách vệ sinh và duy trì lối sống sạch đúng cách,... để khiến khách hàng cảm thấy được yêu thương và tôn trọng hơn, thay vì tạo cảm giác phản cảm. 

4. Quan hệ đối tác và hợp tác 

Khi digital marketing lên ngôi thì việc quảng bá sản phẩm và doanh nghiệp qua các kênh online không chỉ dừng lại ở trong nội bộ các kênh owned media. Một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong khoảng 2 năm trở lại đây chính là Influencer Marketing - Tiếp thị qua những người có tầm ảnh hưởng trong ngành. Nếu như các ngành như FMCG, F&B, Beauty thuê các ngôi sao, vlogger,... để quảng bá cho các sản phẩm của họ thì với ngành Dược, influencers chính là những vị bác sĩ, những chuyên gia đầu ngành có tiếng nói với cộng đồng. Thiết lập quan hệ đối tác với họ sẽ khuếch đại và nhân rộng các hoạt động marketing của các công ty Dược phẩm.

Đôi khi, bạn không phải tự mình làm tất cả, mà có thể qua các kênh truyền thông khác, hiệu quả đem lại còn tốt hơn nhiều. Hiển nhiên rằng, người dùng sẽ có xu hướng tin vào lời bác sĩ nói hơn là những quảng cáo chiêu hàng có phần lộ liễu. 

Chia sẻ của Tiến sĩ Hà Phương Thư về hành trình cho ra đời sản phẩm CumarGold (Nguồn: Cumargoldkare.vn)

5. Content Marketing

Content is King là câu nói không bao giờ sai trong mọi trường hợp. Content ở đây không chỉ là câu chữ, mà còn là video, infographic. Content tồn tại ở khắp các kênh truyền thông, từ website, mạng xã hội, youtube,... Với một ngành có phần khô khan như Dược phẩm, việc triển khai các video content hay infographic content là một đề xuất đáng để xem xét. Sự sáng tạo trong việc truyền tải nội dung sẽ khiến người dùng cảm thấy dễ hiểu hơn và thêm tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, từ đó giúp giữ chân người dùng lâu hơn trên website. 

Có lẽ bạn vẫn còn nhớ những infographic được Bộ Y tế sử dụng trong đợt tuyên truyền cách phòng tránh dịch COVID-19 vừa qua chứ:

6. Mobile Marketing

Thị trường di động đang gia tăng nhanh chóng và dự kiến sẽ vượt qua khỏi các thiết bị điện tử khác trong những năm tới. Điều này được cho là khá dễ hiểu khi sự thuận tiện đang được người dùng đặt lên hàng đầu. Điều các doanh nghiệp Dược phẩm cần làm bây giờ chính là phải cải thiện giao diện website sao cho thân thiện với người dùng di động nhất có thể. Một trải nghiệm website tệ sẽ khiến tỷ lệ bounce rate tăng nhanh và nó không hề tốt trong việc cải thiện traffic cho website chút nào cả.

7. Proof social

Proof social hay còn được biết đến là hiệu ứng lan truyền đám đông, là một phương tiện marketing khá phổ biến trong ngành Dược phẩm. Niềm tin dành cho doanh nghiệp không chỉ đến từ những nỗ lực của doanh nghiệp đó mà còn đến từ lời giới thiệu từ nhiều nhóm đối tượng xung quanh người dùng: từ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ, bạn bè, cộng đồng, người nổi tiếng, bên thứ 3,... Con người thường có xu hướng tin tưởng vào những người đã sử dụng thuốc trước đó, chính vì thế, việc để lại ấn tượng tốt thôi là chưa đủ, các doanh nghiệp cần khuyến khích người tiêu dùng nói về họ, thuốc của họ trong nhiều dịp khác nhau, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội - nơi hiệu ứng lan truyền được phát huy tối đa. 

Kết

Hành trình xây dựng traffic cho các website Dược phẩm luôn có phần chông gai hơn các lĩnh vực khác khi đây là một ngành đòi hỏi niềm tin và sự tín nhiệm rất cao từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu biết cách áp dụng hiệu quả 7 phương pháp trên, các doanh nghiệp đều có cơ hội thành công như những tên tuổi lớn khác đang làm được. Quan trọng là hãy luôn đặt khách hàng lên đầu và cung cấp giá trị thật sự cho họ.



Bài viết cùng chuyên mục